Mong muốn của các bậc cha mẹ là khi trẻ lớn lên sẽ có hàm răng khỏe đẹp nhưng một số thói quen không tốt về răng miệng khi trẻ còn nhỏ lại là nguyên nhân khiến trẻ lớn lên có hàm răng ngoài ý muốn. Vậy đó là những thói quen nào, vì sao chúng lại ảnh hưởng đến sự phát triển hàm răng của trẻ đến vậy?
Các thói quen xấu về răng miệng ở trẻ em là vấn đề được đề cập và nghiên cứu nhiều trong nha khoa. Một số thói quen chỉ gây ra những xáo trộn rất nhỏ ở bộ răng như sự sắp xếp không hợp lý giữa các răng hoặc khớp cắn. Tuy nhiên cũng có vài thói quen rất có hại, ảnh hưởng đến sự tồn tại của một hay nhiều răng.
Thói quen mút ngón tay
Đây dường như là phản xạ tự nhiên xuất hiện ở hầu hết trẻ nhỏ. Lý do thói quen này được xếp vào thói quen không tốt do có thể đẩy các răng phía trước ra ngoài, gây ra hiện tượng "răng vổ". Trường hợp mút vú cao su hay bú bình cũng có thể gây ra hiện tượng "răng vổ" nhưng không đáng kể. Tuy nhiên bú bình lại dễ gây ra hiện tượng sâu răng, người ta thường gọi đó là "sâu răng do bú bình". Đây là do trẻ bú bình sữa, nước trái cây hay dùng các dung dịch ngọt trong suốt ngày ngay cả khi ngủ. Trong khi ngủ chỉ có rất ít nước bọt được tiết ra để làm giảm axít trong miệng và bảo vệ răng, do đó những răng phía trước sâu rất nhanh.
Muốn tránh cho trẻ khỏi bị thói quen mút tay, ngay từ khi còn rất nhỏ, các bậc cha mẹ, các bà bảo mẫu cần kiên nhẫn loại bỏ thói quen này ở trẻ, không để trẻ bị đói và bất an.
Tật nghiến răng
Nguyên nhân của tật nghiến răng cho đến nay vẫn chưa xác định được rõ ràng nhưng thường được lý giải như sau: Nghiến răng được xem như phản ứng đối với sự căng thẳng thần kinh và hiện tượng này xảy ra phần lớn ở những trẻ có hệ thần kinh dễ bị kích thích. Đôi khi người ta cũng cho rằng nghiến răng hay xảy ra ở những trẻ bị giun kim hoặc các loại giun khác. Giun kim đẻ trứng trong hậu môn ẩm ướt, khi trứng nở gây ngứa ngáy khó chịu đến nỗi trẻ phải nghiến răng. Ngoài ra tật nghiến răng còn gặp khi trẻ bị bệnh tả, động kinh, viêm não cũng như bị xáo trộn tiêu hóa. Để xử lý hiện tượng này ở trẻ cần đưa trẻ đi khám nha khoa, các bác sĩ sẽ dùng máng cao su mềm dai bao phủ tất cả các răng, sử dụng khi trẻ đi ngủ.
Thói quen mút môi
Trẻ có thể hay mút môi trên hoặc môi dưới hoặc cả hai. Điều này hay thấy ở trẻ đang còn bú khi bị đói, nhưng nếu thường xuyên xảy ra khi trẻ không đói hoặc đã hết tuổi bú mẹ thì cần phải hết sức chú ý. Mút môi nhiều dẫn đến môi trẻ phát triển không bình thường, có thể mất đi hình dáng tự nhiên làm cho phát âm của trẻ không chuẩn, mất thẩm mỹ khi trẻ lớn lên. Mút môi thường xuyên còn làm môi trẻ bị nứt nẻ, nhiễm khuẩn, gây chốc lở mép, các răng cửa hàm trên sẽ bị dô ra phía trước còn răng hàm dưới bị quặp vào trong và ngược lại. Muốn tránh cho trẻ khỏi thói quen này thì đối với trẻ còn bú mẹ, không nên để trẻ bị đói, đối với trẻ hết tuổi bú sữa cần nhắc nhở trẻ, tạo cho trẻ các thói quen khác để trẻ tập trung vào mà quên đi thói quen xấu này.
Tóm lại: Chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ phải được tiến hành toàn diện, không chỉ chú ý loại bỏ các thói quen có hại cho răng mà còn phải vệ sinh răng miệng thường xuyên cho trẻ, không nên cho trẻ ăn nhiều thức ăn có đường bột trước khi đi ngủ. Kể từ khi trẻ mọc chiếc răng sữa đầu tiên thì nên đưa trẻ đi đến Trung tâm nha khoa khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của răng miệng, nhất là bệnh sâu răng.