Nhiều thói quen vô tình làm tổn thương răng trong thời gian dài mà chủ nhân của nó không hề hay biết.
• Nghiến răng gây tổn thương ở răng và mô nha chu làm mòn răng.
Tùy mức độ và thời gian nghiến răng, nhiều trường hợp có thể lộ tủy; nứt răng, gãy răng; răng lung lay do hệ thống nâng đỡ răng như xương ổ, dây chằng nha chu bị tổn thương.
Nghiến răng có thể gây lộ tủy, nứt răng, gãy răng
• Uống rượu, hút thuốc lá làm răng ố màu mà bạn không thể làm sạch bằng phương pháp chải răng thông thường.
Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh nha chu, nếu không điều trị có thể sẽ mất răng.
Một số loại rượu có hàm lượng acid cao có thể gây mòn men răng, giúp vi khuẩn dễ tấn công và gây sâu răng.
• Dùng tăm thay vì chỉ nha khoa vừa không lấy sạch thức ăn mà còn làm mòn và tổn thương mô nướu vùng kẽ răng.
Dùng tăm thường xuyên làm cho kẽ răng hở nhiều, thức ăn dễ mắc, rất khó vệ sinh, lâu ngày sẽ gây sâu răng và viêm nướu.
• Chải răng không đúng cách và chải quá mạnh tác động xấu đến răng. Chải răng theo chiều ngang lâu dài sẽ làm mòn cổ răng, tụt nướu lộ chân răng gây ê buốt.
Nên dùng chỉ nha khoa thay vì tăm
Phương pháp chải răng phù hợp: đặt bàn chải nghiêng 45o so với trục răng ngay dưới nướu, chải nhẹ theo chiều thẳng đứng hoặc chải xoay tròn. Phần trong của răng trước chải theo chiều thẳng đứng, mặt nhai của răng chải theo chiều ngang.
• Ăn vặt vào ban đêm: Ban đêm miệng sản xuất ít nước bọt hơn mà nước bọt lại đóng vai trò quan trọng trong việc làm sạch các mảng bám thức ăn và ngăn ngừa sâu răng. Việc ăn vặt này rất dễ gây sâu răng.
Hàm răng của trẻ em còn non yếu, rất dễ có những biến dạng không mong muốn về sau. Người lớn cần giúp trẻ điều chỉnh những thói quen xấu thường mắc phải như: mút tay, đẩy lưỡi, cắn môi.
Thói quen mút tay trong thời kỳ răng sữa ít có hậu quả lâu dài nhưng nếu kéo dài đến khi có răng vĩnh viễn thì sẽ có biểu hiện của sai khớp cắn: răng cửa trên mọc chìa ra phía trước, răng cửa dưới nghiêng vào trong. Nếu không điều chỉnh, những thói quen này càng kéo dài thì mức độ sai khớp cắn càng trầm trọng.
Thở bằng miệng có thể gây lệch lạc khớp cắn ở trẻ, làm khô niêm mạc miệng và trẻ dễ bị sâu răng. Trẻ thở bằng miệng có thể do tắc nghẽn đường mũi, cần được khám chuyên khoa để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.