Thông thường, khi có ổ áp xe ở nướu, người mắc bệnh nha chu thường đến nhà thuốc mua vài loại kháng sinh về tự điều trị. Nếu may mắn dùng đúng thuốc, đúng liều, ổ mủ sẽ giảm hoặc khỏi hẳn. Nhưng bệnh nha chu thì vẫn còn.
Nếu bạn bị viêm nha chu, sau khi khám cẩn thận tại trung tâm nha khoa, nha sĩ sẽ cho bạn biết về trình tự thực hiện kế hoạch điều trị cũng như ý nghĩa, hiệu quả của nó, từ các thủ thuật đơn giản đến các phương pháp phức tạp. Kế hoạch này được xác định tùy theo dạng bệnh. Thông thường, có 4 loại điều trị căn bản thường được áp dụng: khẩn cấp, không phẫu thuật, phẫu thuật và duy trì.
Khi nào bệnh nha chu được điều trị khẩn cấp?
Đó là khi ở vùng nướu hoặc niêm mạc có ổ mủ (áp xe). Bệnh nhân cảm thấy, nhìn thấy hoặc sờ thấy một khối sưng ở vùng nướu hoặc niêm mạc có màu đỏ, đau, sờ thấy phập phồng. Cần đến bác sĩ ngay.
Nếu bạn tự điều trị bằng kháng sinh và thấy hết đau thì cũng đừng vội mừng. Bệnh vẫn tồn tại và trở thành mạn tính, thỉnh thoảng sẽ bộc phát cơn cấp tính (tái diễn theo chu kỳ và ngày càng trầm trọng). Nếu bạn chỉ mới bị viêm nướu, tình trạng đó sẽ khiến bạn chuyển nhanh sang giai đoạn bệnh viêm nha chu. Nếu đã bị viêm nha chu thì bệnh sẽ ngày càng trầm trọng, làm răng lung lay nhiều hơn, cuối cùng là mất răng.
Điều trị không phẫu thuật có tỷ lệ áp dụng cao nhất, là bước điều trị đầu tiên trong bệnh nha chu, gồm 2 bước. Ở bước sơ khởi, nha sĩ sẽ đánh giá các yếu tố thuận lợi cho sự lưu giữ mảng bám, cản trở vệ sinh răng miệng và kiểm soát mảng bám vi khuẩn và loại bỏ các yếu tố đó bằng cách:
- Chỉnh sửa hoặc thay thế tất cả những miếng trám không đúng kỹ thuật.
- Chỉnh sửa hoặc thay thế những phục hình không đúng kỹ thuật.
- Đánh giá và chỉ định răng cần nhổ (không thể giữ được).
- Cố định răng (nếu răng lung lay).
- Thực hiện phục hình tạm thời (nếu cần thiết).
- Cạo cao răng - xử lý mặt gốc răng. Lấy cao răng là một thủ thuật không nhất thiết do bác sĩ thực hiện, được chỉ định cho tất cả mọi kế hoạch điều trị nha chu. Với những trường hợp viêm nướu, nó sẽ cho kết quả rất khả quan.
Điều trị phẫu thuật chỉ được áp dụng khi các biện pháp thông thường không có kết quả. Còn điều trị duy trì được áp dụng khi bệnh đã tiến triển tốt. Đây là phương pháp kiểm soát bệnh bằng cách kiểm soát màng bám vi khuẩn và tái khám định kỳ. Ở bệnh viêm nha chu, việc điều trị duy trì kéo dài cho đến khi các răng không còn tồn tại trên cung hàm.
Kết quả điều trị nha chu tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là giai đoạn bệnh. Nếu ở thời kỳ viêm nướu, kết quả rất khả quan; sau đó nướu sẽ trở lại trạng thái bình thường như trước khi bị bệnh. Nếu đã viêm nha chu, kết quả điều trị tùy thuộc vào độ sâu của túi nha chu, mức độ tiêu xương, phương tiện, phương pháp và kỹ năng điều trị của bác sĩ và các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân nếu có.
Có một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị, đó là sự hợp tác của người bệnh trong suốt quá trình điều trị.